Thanh tra Bộ Giao thông đã phát hiện nhiều sai phạm thiết bị hộp đen của các đơn vị sản xuất và cung ứng sản phẩm ra thị trường.
Theo kết quả thanh tra sơ bộ mới nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai (bắt đầu từ ngày 5 đến 29/6), lực lượng Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đã phát hiện được nhiều hộp đen không có dấu hợp quy, thiếu thiết bị in, không có đèn báo, quy trình sản xuất thiết bị không đảm bảo…
Ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, Trưởng đoàn thanh tra khẳng định: “Đến ngày hôm nay (14/6), Thanh tra Bộ đã đình chỉ và thu hồi chứng nhận hợp quy 2 đơn vị sản xuất có nhiều sai phạm và đang chờ xem xét một đơn vị giải trình.”
“Phù phép” dấu hợp quy
Với quyết định “thanh lọc” các công ty cung cấp thiết bị giám sát hành trình yếu kém, ngay trong tháng 6/2013, qua kiểm tra 7 trong tổng số 19 doanh nghiệp cung cấp thiết bị hộp đen tại các tỉnh phía Nam, ông Thạch Như Sỹ khẳng định, đoàn thanh tra đã phát hiện nhiều thiết bị hộp đen không đạt chuẩn.
“Qua kiểm tra 7 nhà cung cấp và các doanh nghiệp vận tải lắp đặt thiết bị thì nổi cộm lên vấn đề nhiều thiết bị lỗi cổng kết nối, hiển thị tín hiệu; thiết bị không có mục hướng dẫn nên lái xe không nắm được cách sử dụng và truy nhập thông tin,” ông Sỹ khẳng định.
Tại bến xe Miền Đông, dù thời điểm thanh kiểm tra thiết bị lắp đặt trên xe bắt đầu từ 14 giờ nhưng trước đó 1 tiếng đồng hồ, theo quan sát của phóng viên Vietnam+, các đơn vị cung cấp hộp đen nằm trong diện bị “sờ gáy” đã nhanh chân "điều động" nhân viên của hãng đến từng xe để khắc phục, sửa chữa và bổ sung những sai sót của thiết bị hộp đen.
Trên mỗi xe, 2 đến 3 nhân viên của các đơn vị lắp đặt thiết bị hộp đen đang hí hoáy đồ nghề lỉnh kỉnh đại tu lại cho chiếc “mắt thần” theo dõi vi phạm của lái xe, phương tiện nhằm đưa thiết bị vào trạng thái sẵn sàng hoạt động trước “giờ G” để lực lượng thanh kiểm tra.
Chỉ trong buổi chiều kiểm tra bến xe Miền Đông, với đầy đủ các doanh nghiệp vận tải kinh doanh hợp tác xã, công ty lớn, đoàn kiểm tra đã phát hiện thiết bị hộp đen của công ty VECOM (Vinh Hiển) gắn trên xe khách biển kiểm soát 51B – 08567 do lái xe Đỗ Nhật Hoàng của Công ty Phương Trang điều khiển không trích xuất được đầy đủ thông tin dữ liệu theo quy định, không niêm yết hướng dẫn sử dụng trên xe. Thậm chí, thiết bị này cũng được lắp rất sâu trong táp - lô, nhân viên kỹ thuật phải dùng khoan mở nắp mới kiểm tra được.
Kiểm tra ngẫu nhiên xe 79N – 0266 đơn vị vận tải Cúc Tùng cũng lắp thiết bị hộp đen của nhà cung cấp VECOM (Vinh Hiển), qua quan sát cho thấy, cổng kết nối máy in không đạt theo quy chuẩn, hộp đen giấu sâu trong xe chỉ “lòi” mỗi đèn báo hiệu hoạt động. Cổng trích xuất số liệu lắp đặt sâu bên trong, cơ quan chức năng muốn kiểm tra in ấn phải tháo táp lô mới chiết xuất được.
Trước đó, ngày 12/6 vừa qua, tại bến xe miền Tây, thanh tra Bộ Giao thông kiểm tra các thiết bị của công ty này có cổng máy in không đúng theo quy chuẩn.
Cũng qua đợt “sờ gáy” đơn vị cung cấp, lắp đặt hộp đen, theo ông Sỹ, lực lượng Thanh tra Bộ Giao thông đã “lật tẩy” hàng loạt “mánh” của các nhà sản xuất bằng cách “phù phép” giấy chứng nhận hợp quy, có dấu hiệu lừa đảo và không trung thực với khách hàng.
Dẫn chứng, đoàn thanh tra Bộ đã phát hiện thiết bị của Công ty Cổ phần công nghệ thông tin C.S.S.E (Đà Nẵng), Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ Xuân Phi (Thành phố Hồ Chí Minh) có các sản phẩm hộp đen thiếu chứng nhận hợp quy, không đáp ứng được các tiêu chí theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải như: thiếu thiết bị in, không có đèn báo, quy trình dây chuyền sản xuất thiết bị không đảm bảo…
Thậm chí, thiết bị của hai công ty C.S.S.E và Xuân Phi không sản xuất theo mẫu đăng ký với Bộ Giao thông nhưng nhà sản xuất lại cấp cho khách hàng giấy chứng nhận hợp quy để hợp thức hóa các thiết bị.
“Cá biệt, thiết bị của hai đơn vị cung cấp trên không đăng ký theo mẫu của Bộ Giao thông và tự cấp giấy chứng nhận hợp quy để doanh nghiệp vận tải lắp đặt yên tâm về sản phẩm đạt chuẩn và sử dụng giấy chứng nhận để xin cấp giấy phép vận tải. Thậm chí, nhà sản xuất nhập khẩu thiết bị đã tự ý ‘chế’ để ‘đội lốt’ thiết bị được sản xuất lắp ráp trong nước,” ông Sỹ thừa nhận.
Bên cạnh đó, ông Sỹ cũng nêu thêm hàng loạt sai phạm của một trường hợp khác là Công ty Trách nhiệm hữu hạn viễn thông TÍT.
Qua công tác thanh tra hộp đen trên xe ôtô, đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm của TÍT như: không sản xuất thiết bị hộp đen mà mua một loại sản xuất 2 cục nhưng "cắt xén" bán cho các doanh nghiệp vận tải sản phẩm chỉ có 1 cục.
“Tuy nhiên, đơn vị này xin Thanh tra Bộ cho thêm thời gian để giải trình và sau 1 tuần sẽ có kết quả,” ông Sỹ cho biết.
Theo TTXVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét