Trong thư gửi tới các cơ quan chức năng, ông Choo Hong Chow, Tổng giám đốc công ty Nissan Việt Nam đã đề nghị các bộ, ngành, UBND TP Hà Nội tiếp tục giúp đỡ, cho doanh nghiệp được tạm hoãn việc ấn định mức thuế này đến đầu quý IV (tháng 10/2013) để doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị.
Theo số liệu có được, số thuế mà doanh nghiệp bị truy thu ban đầu là hơn 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi đã nộp bớt và tiến hành tái xuất 228 bộ linh kiện diện này, số thuế hiện còn nợ của Nissan Việt Nam là trên 200 tỷ đồng.
Câu chuyện bị truy thu thuế nhập khẩu theo mức của xe nguyên chiếc thay vì được hưởng mức thuế linh kiện khi nhập khẩu các bộ linh kiện của Công ty Nissan Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2011 là một điển hình rõ ràng nhất của việc doanh nghiệp nước ngoài muốn đi tắt đón đầu nhưng chưa rõ các quy định hiện hành.
Đến sau so với các thương hiệu ô tô quốc tế khác, các nhà đầu tư mang Nissan tới Việt Nam không chọn phương thức đầu tư nhà máy để lắp ráp nhãn hiệu Nissan. Ở thời điểm đó, Nissan Việt Nam đã chọn cách thuê Liên doanh ô tô Hòa Bình (VMC) lắp ráp các sản phẩm cho mình trên bộ linh kiện nhập khẩu do mình cung cấp. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, Nissan Việt Nam đầu tư khoảng 2,5 triệu USD về trang thiết bị phục vụ cho lắp ráp ô tô Nissan tại VMC, và cử các chuyên gia Nhật Bản giám sát chất lượng sản phẩm lắp ráp.
Với thực tế thuế nhập khẩu với linh phụ kiện phục vụ lắp ráp trong nước cao nhất là 25%, trong khi thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc vài năm qua vẫn ở mức trên 70%, cách đi của Nissan Việt Nam dường như mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư, dù là người đến sau.
Nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra việc nộp thuế trong quá trình hoạt động, Nissan Việt Nam đã phải đối mặt với quyết định truy thu thuế ban đầu lên tới hơn 500 tỷ đồng.
Theo kết luận của cơ quan hải quan, từ năm 2009 đến năm 2011, Nissan Việt Nam đã nhập khẩu 1.377 bộ linh kiện rời không đồng bộ (ắc quy và ăng ten mua trong nước) để lắp ráp thành ô tô nguyên chiếc. Toàn bộ số linh kiện rời, không đồng bộ nhập khẩu này đã được phân loại, áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi hoặc ưu đãi đặc biệt với các xuất xứ C/O form D, form JV.
Việc truy thu thuế này là bởi Nissan đứng ra nhập linh kiện, sau đó bán toàn bộ linh kiện nhập khẩu cho VMC và tiến hành mua lại ô tô nguyên chiếc đã được VMC lắp ráp bằng các hợp đồng mua bán.
Cách đi này đã khiến các bộ linh kiện mà Nissan Việt Nam nhập khẩu không được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với linh kiện.
Cụ thể, theo Quyết định số 106/2007/QĐ-BTC và các thông tư 216/2009/TT-BTC và Thông tư 184/2010/TT-BTC, để bộ linh kiện ô tô mới được phân loại và được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi quy định cho từng linh kiện, doanh nghiệp phải thỏa mãn đồng thời 2 điều kiện. Đó là, phụ tùng, linh kiện do các doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô theo quy định của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) trực tiếp nhập khẩu hoặc ủy thác nhập khẩu. Điều kiện còn lại là mức độ rời rạc của các chi tiết phải đáp ứng tiêu chuẩn tại Quyết định 05/2005/QĐ-BKHCN.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2009-2012 và tới nay, Nissan Việt Nam chưa được Bộ Công thương xác nhận là đạt tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô theo quy định. Hơn nữa, việc hợp tác giữa Nissan Việt Nam với VMC lại được thể hiện bằng các hợp đồng mua đứt, bán đoạn. Chiếu theo quy định hiện hành, Nissan Việt Nam không được hưởng chính sách thuế ưu đãi theo linh kiện, mà phải nộp thuế nhập khẩu theo mức xe nguyên chiếc cho giai đoạn 2009-2011 là vậy.
Để giảm thiểu số thuế mà cơ quan hữu trách đề nghị truy thu, Nissan Việt Nam quyết định xuất trả lại 228 bộ linh kiện đã về Cảng Hải Phòng nhưng chưa hoàn thành thủ tục nộp thuế trong tháng 2/2012 và tiếp tục theo đuổi các kiến nghị của mình.
Theo Báo Đầu Tư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét